Đi khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc quan trọng để bảo vệ hạnh phúc gia đình và khả năng mang thai. Vì trước khi kết hôn và có kế hoạch sinh con sẽ phát hiện, sẽ biết cách khắc phục các bất thường có nguy cơ ảnh hưởng không tốt chức năng sinh sản.
Quan trọng là khám sức khỏe trước khi kết hôn sẽ giúp hai bạn tự tin, thoải mái, có sự chuẩn bị tốt trước khi bước vào cuộc sống chung cùng nhau cả về nhu cầu sinh lý và tinh thần.
Vì mục đích của việc khám sức khỏe là
- Phát hiện những bất thường ở cơ quan sinh sản… từ đó điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe sinh sản
- Phát hiện sớm ra các căn bệnh nguy hiểm, truyền nhiễm lây qua đường tình dục và có quyết định kỹ hơn trước khi kết hôn như các bệnh giang mai, lậu, viêm gan B, sùi mào gà, HIV
- Giúp nam nữ nắm bắt được rõ tình trạng sức khỏe sinh sản, khả năng sinh lý, tránh các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho thai, chuẩn bị cho việc thụ thai và sinh con an toàn.
- Nhận được tư vấn để bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn mà vốn trước đó bạn chưa biết gì.
- Để chuẩn bị kiến thức, tâm lý trước khi kết hôn thành vợ chồng, bạn sẽ không vướng phải những lo lắng, sợ hãi, rối loạn cảm xúc, không thỏa mãn hay nghi ngờ lẫn nhau.
Những nội dung khi khám sức khỏe
Khám tổng quát:
- Kiểm tra đường huyết: Giúp phát hiện nguy cơ mắc bệnh tiểu đường gây ảnh hưởng đến mạch máu, thần kinh, mắt, thận.
- Xét nghiệm công thức máu: Đánh giá tình trạng bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, nồng độ hemoglobin… phát hiện những rối loạn huyết học như thiếu máu, giảm số lượng tế bào máu.
- Xét nghiệm viêm gan siêu vi B, HIV: Bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục, đường máu từ mẹ sang con. Xét nghiệm phát hiện để phòng ngừa tránh lây nhiễm chéo cho vợ (chồng) hoặc con cái.
- Kiểm tra gan, thận: Thận yếu sẽ gây thiếu máu, phù, tăng huyết áp. Suy gan dẫn đến rối loạn bài tiết của cơ thể.
- Điện tâm đồ: Kiểm tra khả năng hoạt động của tim.
- Xét nghiệm nước tiểu: Phát hiện bệnh tiềm ẩn ở cầu thận, đường tiết niệu.
- Kiểm tra khả năng cương dương, lãnh cảm, đau khi giao hợp.
Khám chức năng sinh sản:
Để đảm bảo không có dị tật, viêm nhiễm hoặc vi khuẩn bệnh xã hội:
- Đối với nam, thực hiện khám tinh hoàn và dương vật, xem có triệu chứng gì lạ khi đi tiểu và xuất tinh…
- Còn ở nữ giới, khám ngực, khám âm đạo và lộ tuyến cổ tử cung để phát hiện các đị tật hoặc viêm nhiễm.
Khám chuyên sâu:
- Nữ giới: Siêu âm tử cung, buồng trứng để phát hiện tắc vòi trứng, u nang buồng trứng, u xơ tử cung… Đặc biệt nữ giới nên kiểm tra sớm tầm soát ung thư vú.
- Nam giới: Tiến hành xét nghiệm tinh dịch đồ để đánh giá và tiên lượng khả năng sinh sản.
- Nếu trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh tâm thần, dị tật, bệnh di truyền, thần kinh, chậm phát triển thì cần kiểm tra gen, nhiễm sắc thể.
Nên đi khám khi nào?
Theo các chuyên gia y tế, các cặp nam nữ nên đi khám sức khỏe trước khi kết hôn từ 3 tới 6 tháng, đặc biệt là những cặp đôi muốn thụ thai ngay sau khi cưới.
- Như vậy sẽ đảm bảo tốt hơn cho tương lai của con, vì đó là thời gian vừa đủ để có thể điều trị những bất thường ảnh hưởng đến quá trình mang thai.
- Việc đi khám sức khỏe trước khi kết hôn được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số của đất nước.
Lưu ý trước khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân
- Nên cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe, tiền sử hoạt động của cơ quan sinh dục (kinh nguyệt, xuất tinh), tiền sử bệnh tật gia đình.
- Trong vòng 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm nên nhịn ăn; không sử dụng sữa, nước hoa quả, nước ngọt, cafe, rượu.
- Uống 500ml nước lọc khoảng 30 – 60 phút trước khi siêu âm.
- Uống nhiều nước lọc trước khi xét nghiệm nước tiểu khoảng 30 – 60 phút. Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, lấy phần nước giữa dòng tiểu đựng vào ống nghiệm.
- Nữ giới không làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung khi đang trong kỳ kinh nguyệt, ra máu âm đạo, mắc bệnh viêm nhiễm, đang đặt thuốc âm đạo. Nên làm xét nghiệm vào ngày thứ 5 sau khi sạch kinh.
Chú ý là chuyện bí mật có thể bị phát hiện
Nhiều người thường lo lắng, trốn tránh việc đi khám sức khỏe trước khi kết hôn bởi sợ có những bí mật mà khi đi khám sẽ bị lộ ra, ảnh hưởng đến chuyện kết hôn.
"Có trường hợp của chị N, do cũng hiểu biết về lợi ích của việc đi khám sức khỏe tiền hôn nhân nên chị cũng quyết định cùng chồng sắp cưới đi khám. Kết quả cho biết chị N bình thường, nhưng anh ấy lại có vấn đề.
Anh bị sùi mào gà, anh nói mình không biết vì sao lại bị. Sau khi bác sĩ khuyên hãy cố nhớ lại đã quan hệ với ai? khi nào? thì anh mới thú nhận rằng do một lần đi nghỉ mát cùng bạn bè đã tìm gái để vui chơi, nên chắc lần đó đã bị nhiễm bệnh."
- Thực tế, có rất nhiều trường hợp sau khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân mới biết những chuyện thầm kín mà bấy lâu nay họ cố tình giấu hoặc thậm chí không hề hay biết, việc này có thể gây ra cú sốc tâm lý rất lớn sau khi có kết quả khám.
- Theo các bác sĩ, khám sức khỏe vẫn luôn là một việc nên làm để đảm bảo cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn trong tương lai, không có đổ lỗi, nghi ngờ lẫn nhau. Hãy luôn trung thực và thẳng thẳn với nhau về mọi chuyện.
- Vì hôn nhân là một cộc mốc quan trọng của mỗi một con người. Đi khám sức khỏe quan trọng là đảm bảo về tinh thần, sức khỏe cho các cặp đôi trước khi bước vào cuộc sống chung cùng nhau.
Một lưu ý là các cặp đôi nên lựa chọn bác sĩ khám phải thực sự tâm lý, đã có kinh nghiệm nhiều năm để khám.
- Tâm lý khi thông báo tình trạng sức khỏe sau khi khám và làm các xét nghiệm để tránh gây ra tình trạng bị sốc tâm lý.
- Kinh nghiệm giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường ở hệ sinh sản nam nữ chính xác.